Lạc Thư Minh Triết – Chương 1 Gia Phả (1)

I Gia Phả

Lạc Thư là sách của dân Lạc Việt! Nói câu trên chỉ là lặp lại một điều đã viết rồi trong Việt Lý Tố Nguyên, khi chứng minh dân Việt là tác giả hầu hết kinh điển của Nho giáo. Sở dĩ hôm nay nói lại điều ấy là cốt để đi vào chi tiết thuộc Lạc Thư xem có đúng với lời nói khái quát trên kia chăng.

Thoạt nhìn vào các vật biểu của nước nhà ta có cảm tưởng gặp một sự lộn xộn :

nào nước nào non

nào sông nào núi

nào tiên nào rồng

nào chim nào thú

nào vũ nào lân v.v…

Lung tung lắm.Nhưng khi tìm cách sắp loại thì ta thấy các vật biểu đó ăn khớp với nhau. Chẳng hạn nếu lấy hai chữ tiên rồng làm cứ thì ta biết rằng rồng quen ở dưới nước, khi bay lên trời thì cũng cỡi mây (long vân) mà mây cũng là nước; còn tiên thì quen ở trên núi, và quen bay nên đi với chim hay là vũ tức lông chim. Do đó mà vật biểu nước ta tuy nhiều nhưng qui về hai mối và ngày nay khi người ta nói “đứng lên đáp lời sông núi” hay là “đi theo tiếng gọi nước non” thì chúng ta vẫn vận hành trong quan niệm lưỡng thê của tiền nhân. Và thế là khi ta bảo rằng Lạc Thư là sách của Lạc Việt thì chỉ là nói lên một điều đã hàm chứa sẵn trong dạng tự chữ Lạc Dạng thức đó cũng chỉ là âm dương nhưng được chẻ nhỏ ra và thân cận hoá để đạt mục tiêu đua cái phi thường vào trong những cái thường thường. Phi thường là Đạo: “nhất âm nhất dương chi vi đạo”. Tuy nhiên hai chữ âm dương quá mung lung nên được Lạc Thư thân cận hoá bằng những cặp đôi gần gũi quen thuộc hơn như nước với lửa, núi với sông, sơn với thủy, mẹ với cha, tiên với rồng… Ta biết rồng quen ở dưới nước vì thế mà có Lạc Long Quân

( 貉 龍 君 ) ở Thủy phủ và có sách Lạc Thư viết với bộ thủy. ( 洛 龍 君 )

Bạn bảo rằng suy luận như thế không ổn vì chữ Lạc Thư viết với bộ thủy, còn Lạc Long Quân viết với bộ trãi thì ăn nhằm chi?

Thưa rằng có ăn nhằm lắm miễn đừng bỏ qua mấy việc sau: trước hết là đã có nhiều cuộc cải cách văn tự, chẳng hạn từ chữ Kết thằng hoặc theo lối Chân Chim của Việt Nho, rồi đến chữ Khoa đẩu nét viết Con Quăng đời Chu mà ta có thể gọi là Hoa Việt Nho (1) sau cùng mới đến chữ lệ của Nhà Tần Hán như ta thấy ngày nay. Vì thế khó có thể căn cứ vào bộ mà suy luận, nhất là khi ta biết chữ đồng âm hay được thay cho nhau rất nhiều thí dụ từ Lạc Trãi ra Lạc Mộc( 格 龍 君 ) rồi ra dạng tự với Lạc Việt, Lạc Dân, Lạc Tướng trong sách Quảng Châu ký và An Nam chí lược. Còn 2 sách Lĩnh Nam trích quái và Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên viết với bộ Trãi, trong khi sử ký của Tư Mã Thiên và Hậu hán Thư lại viết với bộ Mã. ( 駱 龍 君 )

Xét về nền móng thì như nhau vì đều nói lên yếu tố âm, nhưng nếu xét về vòng ngoài thì ta nhận ra ẩn ý của người viết. Tư Mã Thiên cũng như Hậu Hán Thư theo óc Hán tộc thì phải viết với bộ Mã vì theo Kinh Dịch thì Mã là tẫn mã chỉ phương nam đối với Long phi tại thiên thuộc phương bắc, nên viết bộ Mã là ổn vì đời Tư Mã Thiên thì Lạc Dân ở mãi phương nam trong vùng Bắc Việt. Con nếu viết với bộ Trãi là gây cớ cho người Việt nhớ lại Lạc Long Quân, một dòng vua đã có lúc chiếm cứ từ vùng Lạc Nam tới vùng Động Đỉnh Hồ, nên viết với bộ Trãi là mặc nhiên chấp nhận bờ cõi của nước Văn Lang xa xưa, như thế có thể đánh thức tâm hồn dân Việt trong việc đòi lại đất đai từ miền Lạc Nam, Lạc ấp, Lạc Dương thì thêm phiền. Vì thế để có thể viết với bộ Trãi thì phải là Trần Thế Pháp hay người cùng tham dự vào ký ức tập thể của một dân tộc đã lâu đời gắn bó với Rồng.

Rồng là vật biến hoá vô thường nên cũng là một thứ Xà, “thần xà” và vì thế trong bộ Mẫu tự chữ Lạc viết với bộ Trãi. Chữ Trãi chỉ vật có lưng dài hoặc những vật bò sát đất nên dùng để viết Lạc Long  Quân. Chữ Trãi dùng để chỉ con kỳ lân một thứ hiêu có sừng thường gọi là thần vì tính trung thực chỉ thích húc vào những ai không ngay thẳng và gọi là giải trãi (Danses 141) (xúc bất trực giả). Vì thế được ông Cao Dao dùng để phân xử trong những vụ tố tụng hồ nghi không thể tìm ra manh mối theo lối thông thường. Sách Tiền Hán Thư (ch.57.ap.9v) khi nói đến con lân thì viết là giải trãi. Chữ trãi có hai lối viết nhưng ý thì như nhau.

Và thế là chúng ta hiểu tại sao phải là người Việt mới dám viết Lạc với bộ Trãi, hoặc khi viết với bộ chuy ( 雒 龍 君 ) là chim thì là nhớ tới mẹ Âu Cơ tiên nữ thường đi với chim. Huống chi chữ Lạc ban đầu là chỉ sông nên ngay mạn Hoàng Hà đã có 2 sông Lạc một ở Hà Nam đi với hai sông Y và Giản một nửa ở Tần đi với 2 sông Vị Kinh (xem Maspéro 7). Vì nó chỉ là một biểu hiện rất phổ biến, không cần phải ở phía Bắc nước Tàu, cho nên Lạc chỉ là “các nước”. Còn nếu bạn bắt rằng tiên tổ Việt phải đã ở trên bờ sông Lạc mới có quyền nhân Lạc Thư là của Lạc Việt thì tôi hỏi tại sao bạn dám quả quyết rằng trong tiền nhân ta lại không có một số đã sinh sống trong vùng Lạc Nam, Lạc ấp, Lạc Dương. Vả lại trong vùng Trường Giang cũng có sông Lạc (gọi là Tang Lạc) thì đã chắc gì ai mượn tên ai.

Leave a comment