Nết xấu của dân tộc

Hỏi rằng có nét xấu nào gọi được là dân tộc tính chăng? Nên phân biệt, nếu là xét về thể thì không có vì nhờ nền văn hoá đạt Cơ , thì tất cả nhhững nhu yếu nền tang đều đã có chỗ ứng đáp. Nhưng nếu xét về Dụng tức là do hoàn cảnh ngoại lai thì mấy nét xấu sau đây có thể gọi được là gắn liền với dân tộc, một là gian vặt hai là cẩu thả và ba là thiếu lòng chung.

Cả ba gây nên do tình trạng của nước bé nhỏ sống bên cạnh một nước quá lớn, hay bị xâm chiếm đô hộ thì tất nhiên phải chịu nhiều bất công nên nhu yếu sinh tồn bắt phải tìm những lề lồi ngang ngửa quặt quẹo để sống. Trong các lối đó phải kể trước hết là sự gian lận. Thí dụ lúc người Pháp còn cai trị lập ra sở đoan , muốn để giữ độc quyền mua bán muối. Mua vào 6 xu bán ra 9 cắc (hay là 90 xu tức 15 lần đắt hơn. Đây là thí dụ có thực ở Bắc Việt).

Với giá mua rẻ mạt như vậy tất nhiên dân làm muối quá khổ, cần phải gian lận, giấu giếm một ít để bán lậu. Thế là có cả một hệ thống buôn muối lậu mà ai cũng cho là phải lẽ. Nói là gian lận thì không đúng, vì đó là của mồ hôi nước mắt mình, nay bị ngoại bang tham tàn đến cướp miếng cơm thì mình có quyền phản kháng nhưng vì quá yếu phản kháng vô ích chỉ còn cách làm lén một việc không hề phạm tới quyền lợi của ai, vì thế được mọi người chấp nhận.

Nhưng chính sự chấp nhận đó lâu ngày gây nên tật xấu là gian dối. Tôi có đọc trong một quyển sử Pháp nào đó lời phàn nàn rằng sau bốn năm quân Đức chiếm đóng, người Pháp phải nói dối để tự vệ, để giúp du kích quân…. thế là khi lấy lại được độc lập thì nhiều người Pháp đã mắc tật nói dối, gian lận… Mới có 4 năm Đức chiếm đóng mà tật gian dối đã xâm nhập một số người Pháp, huống chi từng ngàn năm Bắc thuộc, rồi 80 năm Pháp thuộc thì người Việt Nam thoát sao khỏi cảnh bị tẩm nhuận trong việc ăn gian nói dối.

Khi nó lan vào giới công chức nhất là những đợt cao cấp thì sẽ làm tê liệt mãi mãi quê hương ta. Không một việc lớn nào có thể hiện thực khi chính quyền gồm phần lớn những đầu óc tham nhũng.

Cầu thả:

Tật xấu thứ hai cũng do cảnh tiểu nhược quốc bên cạnh nước khổng lồ, không bao giờ được hưởng thái bình lâu dài nên cứ phải làm lại cuộc đời luôn luôn. Sự kiện đó gây nên tâm trạng ăn sổi ở thì lâu ngày đâm ra quen không thích những lối làm việc dài hơi. Thế là lâu ngày đoạ ra cầu thả.

Đấy là một nết xấu rất tai hại, Con đường người Việt tráng nhựa thì hầu như phải làm lại một năm. Dây điện cao độ do người Việt mắc chưa xong mà các cây sắt đã quằn hoặc trệ xuống. Quyển Kinh Thư do trung tâm học liệu xuất bản mà không có đến cả một mục lục. Quyển Xuân Thu thì phải kể là thùng rác… Hầu hết cách chưa xuất xứ trong các sách khảo cứu của ta còn xa lắm mới đạt sự cẩn thận của khoa học gia…

Đây là một tật xấu rất tai hại, có sửa đổi được thì nước mới trông tiến bộ. Sau trận thế chiến thứ hai thì Nhật và Đức là hai nước đã phục hưng một cách mau lẹ hiện nay Nhật đứng thứ ba Đức thứ bốn sau Mỹ, Nga. Cái gì đã giúp hai nước này tiến được như thế? Có nhiều lý do nhưng các nhà quan sát đều nhận thấy ở cả hai nước một yếu tố chung thuộc tinh thần đó là sự ham mê việc làm, nhờ vậy việc nào làm cũng tới nơi tới chốn.

Có thể nói đức tính này đứng đầu trong các nhân tố đẩy đà tiến mạnh của hai nước Đức Nhật. Đấy là tấm gương trong mà người nước ta cần phải soi đêm soi ngày cho tới lúc bất cứ việc gì to nhỏ không làm thì thôi, đã làm là làm tới chốn. Chỉ có thế nước nhà mới trông theo kịp thế giới.

Thiếu lòng chung:

Nét xấu thứ ba là thiếu lòng chung không chú ý đến lợi ích công cộng. Điều này xem ra trái ngược với tinh thần công thể mà chúng tôi đã gọi là một dân tộc tính.

Quả thiệt nó là một dân tộc tính phát xuất từ tình huynh đệ phổ biến, nên đã được thi hành ở nhiều đợt: gia đình, làng xã, quốc gia. Tuy nhiên xuyên qua các đời tinh thần công thể đã không gặp bầu khí thuận lợi cho sự nẩy nở do tình trạng luôn luôn bị đô hộ. Một khi chủ quyền đã vào tay ngoại bang thì khó có thể còn lòng chung, và lúc ấy lòng chung chỉ còn được biểu lộ qua những vận động đánh đuổi xâm lăng.

Sự đánh đuổi này có nhiều độ: có khi là phá cầu cống đê điều có khi là tẩy chay hay làm việc công cho qua lần… Thế là ít lâu công dân cũng như công chức mất tinh thần lo cho công ích để chỉ còn biết lo cho gia đình. Vì thế hiện nay ta thấy các nhà tư gia của các ông bự thì rất đẹp, đang khi các cơ sở chung thì rất tồi tệ.

Ngược hẳn với bên Đài Loan nhà của các ông lớn xuýt xoát như nhà dân có hơn cũng không nhiều, đang khi đó các công sở đều đẹp đẽ tráng lệ. Đó là vài ba nét xấu nổi của người Việt, nổi đến nỗi có thể ghi vào bảng “dân tộc tính”. Tuy chỉ do hoàn cảnh mà ra nhưng nếu không có một nền giáo dục và quốc học chú ý sửa chữa cách nghiêm nghị, thì đó là những nết xấu sẽ kìm hãm nước nhà lại trong tình trạng chậm tiến. Và cũng là những bóng đen che khuất lấp mất những đức tính cố hữu của dân tộc.

Vì thế muốn nhìn ra cần phải vượt nhiều đợt trật đường do ngoại bang, thí dụ “bình san” là một nét dân tộc nhưng vì bị ảnh hưởng của Tàu (tự đời Tần, Hán… xem Cửa Khổng) nên bình sản co lại như miếng da lừa: Ngoài Bắc còn có 20 phần trăm, Trung còn có 26 phần trăm, đến Nam vì chịu thêm một ách đô hộ mới của Pháp nữa nên chi còn được có hơn hai phần trăm. Vậy nếu căn cứ trên số lượng công điền hiện có thì làm sao nói được “bình sản” là một nét của dân tộc. Muốn thấy câu trên đúng thì phải vượt qua nhiều đợt trở ngại chắn khuất. Chính vì sự vượt qua này khó khăn không phải ai cũng có mắt tinh tường để minh biện, nên khi nói đến dân tộc tính ít có sự đồng ý là vì vậy. Bởi vì trong mọi địa hạt đều có sự lấn át tương tự như trong vụ bình sản nhưng không hiện lên trong hình tích đếm đo được. Tuy nhiên vẫn có đó trong tình trạng hôn mê và ta có thể dùng những tỷ lệ ruộng công trên (20, 26, 25 phần trăm) làm như tiêu biểu của sự sa sút của đức tính dân tộc gây nên do những căn do bên ngoài.

Leave a comment